|
PHÁC ĐỒ CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ VÀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
BỆNH XƠ HÓA CƠ DELTA
I. CHẨN ĐOÁN LÂM SÀNG
Quan sát ở trạng thái tự nhiên của bệnh nhân:
1. Vai xuôi, tay khuỳnh, không áp sát thân mình (H.1)
2. Xương bả vai nhô như hình cánh chim (H.2)
3. Rãnh lõm da dọc theo dải xơ (thường thấy ở phần giữa cơ Delta) (H.3)
Khám:
1.
|
Sờ được dải xơ dọc cơ Delta nơi lõm da |
2.
|
Tay đưa ra trước, vai và khuỷu gập 90 o , hai khuỷu tay không khép chạm vào nhau |
3.
|
Khi cố gắng khép hai khuỷu tay vào thân mình, thì thấy xương bả vai nhô ra sau và xoay ngoài |
4.
|
Phản xạ gân xương và các động tác khác như dạng cánh tay, đưa cánh tay ra trước, ra sau vẫn bình thường; |
II. CẬN LÂM SÀNG
1. X quang qui ước: chụp XQ tư thế thẳng của hai khớp vai từ trước ra sau; tư thế đứng, hai tay thả lỏng xuôi theo thân mình tự nhiên: (H.4)
• Mỏm cùng vai xuống thấp
• Ổ chảo xoay ra trước, chồng lên chỏm xương cánh tay
• Mỏm quạ nhô cao.
Phân biệt với teo cơ hệ thống: (H.5)
• Khe khớp rộng
• Chỏm xương cánh tay xuống thấp, không chồng với ổ chảo và mỏm cùng vai
2. Siêu âm: (H.6)
• Bệnh nhân ngồi, siêu âm với đầu dò Linear tần số 7.5 MHz trở lên
• Xác định số lượng, vị trí, kích thước của dải xơ trong cơ Delta
3. Sinh hóa:
• LDH tăng nhẹ (bình thường 200-400 U/l)
• CK bình thường
LDH tăng cao, CK tăng cao: loạn dưỡng cơ.
L.N.H
|
H.M.C
|
|
Hình 4
|
Hình 5
|
Hình 6
|
Kết luận về chẩn đoán:
1. Dựa chủ yếu vào 4 yếu tố:
• Lâm sàng điển hình
• XQ tư thế thẳng
• Siêu âm hình ảnh dải xơ hóa trong cơ Delta
• Sinh hóa: LDH tăng nhẹ, CK bình thường.
2. Trường hợp không điển hình, gửi đến các Trung tâm cho các chuyên gia, với phương tiện chuyên sâu hiện đại hơn chẩn đoán phân biệt.
III. ĐIỀU TRỊ
1. Mục tiêu điều trị:
a. Phục hồi cơ năng:
– Tay khép được vào thân người
– Khuỷu có thể chạm sát nhau khi đưa ra trước ở tư thế khuỷu và vai gập 90 o
b. Thẩm mỹ:
– Tay hết khuỳnh
– Mất bả vai cánh chim
c. Điều trị dự phòng (dành cho các trung tâm):
– Biến dạng về cơ xương khớp, ngăn chặn biến chứng …
2. Chỉ định phẫu thuật:
– Đủ tiêu chuẩn lâm sàng và cận lâm sàng
– Có biểu hiện rối loạn chức năng vận động
– Thẩm mỹ
3. Kết quả phẫu thuật:
a. Tức thời:
– Tay xuôi áp sát được thân người
b. Lâu dài:
– Xương bả vai trở lại vị trí bình thường
– Động tác hai khuỷu tay áp sát vào nhau
4. Phương pháp phẫu thuật:
a. Vô cảm: phẫu thuật viên chọn phương pháp vô cảm theo:
• thương tổn
• Tuổi, khả năng hợp tác của bệnh nhân
• Tình trạng sức khỏe chung của bệnh nhân:
b. Qui trình phẫu thuật:
– Dựa vào thương tổn:
* Loại dải xơ ở phần giữa:
Nên cắt ở nguyên ủy mỏm cùng vai. Cắt chổ bám vào xương ở mỏm cùng vai: ít thương tổn cơ, ít chảy máu, không để lại hỏm trống sau phẫu thuật.
* Loại nhiều dải xơ ở phần giữa và phần ngoài:
Cắt ở phần bám tận lồi củ cơ Delta trên thân xương cánh tay
Lưu ý:
|
• |
Đường rạch da tùy thuộc thương tổn và kinh nghiệm phẫu thuật viên
|
|
• |
Bộc lộ thương tổn phải nhận biết rõ dải xơ và cắt đúng dải xơ, không cắt vào cơ (dễ nhầm lẫn với các thớ cơ bị co thắt nhưng chưa xơ)
|
|
• |
Khi bóc tách mở rộng phẫu trường lên cao gần cổ xương cánh tay lưu ý các nhánh thần kinh mũ.
|
|
• |
Cần qui định phẫu thuật viên được phép phẫu thuật, có tập huấn theo nhóm ít người không đại trà, chỉ triển khai đến tuyến tỉnh.
|
|
• |
Các tuyến không đủ năng lực cận lâm sàng tìm chứng cứ khoa học như trên đề nghị Bộ Y tế chưa chấp nhận phẫu thuật.
|
5. Phục hồi chức năng:
• Tập ngay sau phẫu thuật: bài tập đính kèm
• Tập khi vết mổ hết đau.
IV. NHỮNG GÓP Ý CHUNG
- Theo tài liệu y văn và thực tế bắt gặp vừa qua, có một yếu tố tác động khá rõ nét đến bệnh lý xơ hóa cơ Delta là hiện tượng tiêm thuốc vào cơ Delta (không phải tiêm phòng dưới da, trong da), đề nghị Hội đồng Khoa học có hướng nghiên cứu yếu tố này .
- Bộ Y tế có chỉ đạo cho màng lưới y tế cả nước, đặc biệt với các em bé : không nên đưa một lượng thuốc lớn vào cơ Delta (theo tài liệu của tác giả Ogawa – Nhật cho biết tại Nhật không có ca bệnh mới từ năm 1975 sau khi có qui định về việc nguy hiểm của chích thuốc vào cơ Delta)
- Phân cấp phẫu thuật viên, cơ sở chẩn đoán và điều trị đặc biệt là khâu chẩn đoán. Có thể qui định một vài trung tâm kiểm tra xác nhận chẩn đoán trước khi tiến hành phẫu thuật .
- Nhận xét bước đầu của chương trình nghiên cứu xơ hóa cơ Delta Bệnh viện Chợ Rẫy các trường hợp xơ hóa cơ Delta: diễn biến lâu dài ở một số vùng, cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, cơ địa, yếu tố địa lý … ở nhóm bị bệnh.
- Các cơ sở đã, đang và sẽ tiến hành điều trị phẫu thuật, điều trị bảo tồn nên có chương trình quản lý theo dõi lâu dài và Bộ Y tế có kế hoạch định thời gian báo cáo tổng kết sau 1 năm, 3 năm, 5 năm …
- Bộ Y tế cần có Hội đồng đánh giá khách quan các trường hợp đã mổ (trên 2.000 ca).
|
TM.Hội đồng khoa học Bệnh viện
Giám Đốc Bệnh viện
PGS. TS. Trương Văn Việt
|
|